Nav Air Nav Air

Bản sắc Tuyên Quang14/6/2023 11:16

Độc đáo trống sành của người Cao Lan

ĐNTQ: Từ ngàn đời nay, trống sành được coi là tài sản vô giá trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và đời sống của người Cao Lan. Trong tâm niệm của đồng bào Cao Lan xưa, mỗi khi có tiếng trống sành vang lên sẽ báo hiệu bản làng, gia đình có công việc quan trọng trong việc cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát hay nhà thầy cúng huấn luyện đạo tràng...

Trống sành được coi là tài sản vô giá trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và đời sống của người Cao Lan.

Kỹ thuật làm trống sành khá phức tạp. Thân trống được làm từ chất liệu đất sét nung, 2 bên được bịt bằng da trăn hoặc kỳ đà. Ngày nay, da trăn và da kỳ đà ngày một hiếm nên người Cao Lan thường thay bằng da dê. Các dây buộc xung quanh trống trước đây thường được làm từ dây trên rừng tết lại. Tuy nhiên, loại dây lấy trên rừng lại có độ bền không cao, nhất là khi trống được sử dụng liên tục nên ngày nay ở nhiều nơi người Cao Lan đã sử dụng dây cước để thay thế. Thân trống thường có chiều dài khoảng 40 cm, đường kính mặt trống to 25 cm, mặt trống nhỏ 16 cm, độ dày vỏ trống 5 - 8 mm, hai đầu trống hình viên trụ, thắt eo ở giữa. Thông nhau giữa hai đầu khoang trống qua đoạn thắt eo ở giữa là một lỗ bằng quả trứng gà. Thoạt nhìn thân trống sành đơn giản, nhưng làm đúng kỹ thuật không dễ chút nào. Hai đầu mặt trống to, nhỏ khi đánh âm thanh chạy qua lỗ thắt eo tạo ra sự trầm bổng khác nhau. Ngày thường, nếu không có công việc gì người ta sẽ tháo bỏ 2 bên da của trống sau đó treo trên gác bếp để tránh phần da của trống bị mối mọt.

Để tạo da mặt trống căng, đánh kêu vang và có hồn, người ta thường ngâm trống sành vào nước từ một đến hai ngày trước khi sử dụng. Cách thức biểu diễn trống sành cũng tùy theo không gian. Tại các lễ cúng, người ta đặt trống vào giữa hai cổ chân để đánh. Còn ở các lễ hội, chương trình văn nghệ, người ta dùng dây vải buộc hai đầu trống rồi đeo ngang người, giống như mang trống cơm, khi biểu diễn lấy bốn đầu ngón tay chụm lại vỗ một mặt trống, mặt kia gõ bằng dùi nhỏ và âm thanh phát ra là âm của sành. Người ta không đánh trống bằng dùi gỗ thẳng mà dùng dùi tre cong hoặc tay nên khi nói đến trống sành cổ người ta hiểu đó là trống rất lạ, rất hấp dẫn khi biểu diễn tạo ra vẻ độc đáo riêng mà không phải dân tộc nào cũng có.


Thân trống được làm từ chất liệu đất sét nung, 2 bên thường được bịt bằng da trăn, kỳ đà hoặc da dê

Nghệ nhân nhân dân Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương cho biết: Trống sành được coi là báu vật của bản làng, chỉ người đức độ, có uy tín mới được sử dụng và bảo quản. Khi lấy ra sử dụng phải có lễ vật xin thần linh để được sử dụng trống. Có như vậy, tiếng trống mới vang vọng được hết mọi cung bậc, thể hiện được hồn vía, mơ ước khát vọng của đồng bào Cao Lan giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
 
Ngoài việc sử dụng trong nghi lễ tâm linh, trống sành còn được dùng để đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”… Khi biểu diễn trống được dùng dây đeo ngang người, một bên thì vỗ bằng tay, một bên dùng dùi trống gỗ nhỏ gõ vào mặt trống một cách dứt khoát sao cho thời gian dùi trống chạm vào mặt trống là ngắn nhất. Âm thanh tiếng trầm của mặt lớn đan xen với tiếng que gõ nhẹ bong của mặt trống nhỏ hòa cùng với bước nhảy theo nhịp trống và điệu múa tạo nên không khí rộn ràng và sôi động. Người Cao Lan đều là những diễn viên nghiệp dư nên nếu không có nhịp điệu tiết tấu họ không thể nhảy được. Do đó, trống sành cổ vừa là biểu tượng tâm linh, vừa là nhạc cụ tạo tiết tấu.
 
 Trống sành là nhạc cụ đánh đệm cho các điệu múa của người Cao Lan.

Ngày nay, các nghệ nhân làm trống sành ít dần, kỹ thuật làm mới phức tạp, trống sành không chỉ ngày một quý hiếm mà còn đối diện nguy cơ mai một, thất truyền cho nên việc bảo tồn và phát huy giá trị của những chiếc trống sành cổ rất quan trọng. Hằng năm, Trung tâm văn hóa tỉnh Tuyên Quang vẫn tổ chức cho các nghệ nhân, thầy cúng người Cao Lan đi biểu diễn, giao lưu để quảng bá nét văn hóa của người Cao Lan đến công chúng, trong đó đặc biệt chú trọng đến trống sành.

Nhờ trống sành và các điệu múa đã đem về cho ông Sầm Văn Dừn và đội văn nghệ của người Cao Lan nhiều giải thưởng. Năm 1999, đội văn nghệ của ông Dừn được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Huy chương Bạc tiết mục múa cờ trên nền đệm trống sành trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ Nhất tại tỉnh Lạng Sơn; Huy chương Vàng tiết mục múa khai đèn trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ Ba tại tỉnh Quảng Ninh năm 2002…

Với người Cao Lan, trống sành là biểu tượng văn hóa, là linh hồn của dân tộc. Từ không gian tâm linh, trống sành nay đã được chuyển sang nghệ thuật trình diễn sân khấu, thậm chí là trong cuộc sống thường nhật đã cho thấy việc người Cao Lan ứng dụng nó trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng là điều nên làm để phát huy, góp phần bảo tồn chúng trước sự mai một của thời gian.
 PV

Tin mới nhất:

Liên kết website
Số lượt truy cập: 6551627 - Đang Online: 4036