Bản sắc Tuyên Quang › Văn hóa Tuyên Quang6/1/2023 14:29
Trang phục của người Dao Tiền ở xứ Tuyên
ĐNTQ: Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không đơn thuần là hình ảnh để phân biệt với các dân tộc khác mà còn góp phần thể hiện, lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc đó. Trang phục truyền thống của người Dao Tiền cũng vậy, không quá rực rỡ, cũng không nhạt nhòa, chủ yếu là gam màu chàm, pha lẫn sắc đỏ và hoa văn tinh tế đã tạo nên một bộ trang phục độc đáo của người Dao Tiền.
Người Dao Tiền ở xã Hồng Quang (Lâm Bình).
Có dịp đến thôn Khuổi Xoan, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), du khách không khó bắt gặp hình ảnh những phụ nữ Dao Tiền miệt mài thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những đôi tay chai sạn vì sương gió nhưng lại khéo léo, thoăn thoắt từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải chàm để dần hiện ra những họa tiết tinh xảo.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền gồm áo dài, dây lưng, váy, khăn đội đầu. Phụ kiện đi kèm là chiếc túi đựng trầu, trang sức bằng bạc. Cổ áo phía sau của phụ nữ được xâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao Tiền so với các nhóm người Dao khác. Dây lưng của người Dao Tiền được dệt bằng chỉ màu, trong khi đó, khăn đội đầu được làm bằng vải trắng, thêu viền xung quanh.
Trang phục truyền thống của người Dao Tiền ở Hồng Thái - Na Hang.
The Bà Lý Thị Yên ở thôn Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết: “Con gái Dao Tiền từ khi 8-10 tuổi đã được bà, được mẹ chỉ bảo, truyền dạy cách thêu thùa trang phục của dân tộc mình. Bắt đầu học thêu những họa tiết nhỏ nhất từ tay áo, viền áo, đến khăn và cả một chiếc áo, váy. Khi đường kim, mũi chỉ thành thạo cũng là lúc người con gái bắt đầu tự làm trang phục cho mình. Với người phụ nữ Dao Tiền, nếu ai có áo, váy đẹp, họ trân trọng như một thứ đồ quý giá trong gia đình”.
Nghệ thuật in sáp ong của người Phụ nữ Dao Tiền.
Nét họa tiết trang trí và trang sức độc đáo trên trang phục.
Điều tạo nên nét đặc sắc cho váy áo của người Dao là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm. Váy được in hoa văn bằng sáp ong là công đoạn khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì tập trung cao. Để có được chiếc váy chấm sáp ong đẹp mắt, đầu tiên người phụ nữ Dao sẽ chọn mua những tấm vải màu trắng. Vải sau khi cắt được đặt lên bề mặt phẳng, sáp ong được đun nóng chảy. Sau khi vải đã được chấm sáp ong và giặt nước ấm, phơi khô, công đoạn tiếp theo để hoàn thiện bộ trang phục phụ nữ Dao Tiền đó là nhuộm chàm. Sau khi nhuộm chàm xong mới đến công đoạn tiếp theo là thêu áo. Có thể ví mỗi bộ trang phục của người Dao Tiền là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ. Các hình thêu đều có ý nghĩa riêng.
Trang phục truyền thống của nam giới.
Đối với trang phục truyền thống của nam giới khá đơn giản. Khăn vấn đầu của nam giới là vải chàm màu đen, dài khoảng 60cm. Áo nam không nổi bật như áo nữ, các họa tiết phần viền áo, chân áo, cổ tay khá nhỏ và màu trắng. Đàn ông Dao Tiền chỉ mặc váy cùng với quần trong các dịp nghi thức tâm linh. Độ rộng của váy vừa đủ quấn một vòng quanh người, họa tiết hoa trên váy chỉ có màu trắng đơn giản.
Trang phụ của người Dao Tiền trong Lễ cấp sắc.
Ông Ban Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, người Dao Tiền sinh sống chủ yếu ở các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Lâm Bình. Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, người Dao Tiền chỉ mặc trang phục truyền thống vào những ngày lễ, Tết hoặc dịp trọng đại của gia đình, như lễ cấp sắc, lễ cưới; vì vậy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa qua trang phục dân tộc của người Dao Tiền là việc làm rất cần thiết, để từ đó khơi dậy niềm tự hào và nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ./.
PV
Tin mới nhất: